Trong cuộc sống ai cũng từng trải qua một lần bị trầy tay, trầy chân hay những vết thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động gây tổn thương bề mặt da. Nhưng chính vì cảm giác “nhẹ” – “trầy da chút xíu” mà chủ quan, nếu chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là cách sơ cứu một số tai nạn thường gặp
Đối với vết thương trầy da, chảy máu nhẹ (như đứt tay, té trầy…)
Khi bạn có vết thương trầy da, chảy máu nhẹ (như đứt tay, té trầy…), rửa sạch vết thương bằng nước sạch (nước đun sôi để nguội càng tốt), có thể rửa dưới vòi nước áp lực càng tốt. Việc rửa này giúp đẩy các chất bẩn ra ngoài, pha loãng vi khuẩn. Nếu có nhiều bùn đất, cát, dùng oxy già để rửa vết thương đẩy bùn đất ra ngoài. Sau đó lau sạch, rửa lại bằng nước xà phòng và thấm khô vết thương bằng gạc sạch.
Đối với vết thương sâu, dài, chảy nhiều máu.
Khi bị tai nạn có vết thương sâu, dài, chảy nhiều máu cầm máu bằng cách đè ép lên vết thương 3 phút bằng một miếng gạc hay vải sạch. Cơ chế tự cầm máu của cơ thể sẽ hoạt động. Tuyệt đối không được đắp bất cứ vật gi lạ lên vết thương (mạng nhện, thuốc lá, các loại lá cây.. việc đắp lên sẽ làm bẩn thêm vết thương, đưa thêm vi trùng vào cơ thể. Sau 3 phút, rửa thật sạch vết thương dưới vòi nước sạch hoặc đun sôi để nguội. Sau đó lau sạch, băng lại và đến cơ sở y tế để được xử trí tiếp theo và dùng kháng sinh.
Bong gân tổn thương dây chằng
Khi bị bong gân cần cởi giầy, tất chèn ép quanh vùng bị chấn thương đắp khăn có bọc đá để làm bớt sưng và giảm đau. Quấn băng chắc cố định xung quanh phần khớp xương bị bong gân nhưng không được quấn chặt. Đưa đến cơ sở y tế ngay sau khi băng bó xong.
Để đề phòng điện giật, không nên thiết kế ổ cắm điện nằm trong tầm với của trẻ.
Đối với trường hợp điện giật
Nếu gặp trường hợp điện giật, cần tắt nguồn điện tiếp xúc với người bệnh. Hãy dùng các vật dụng không dẫn điện như bìa carton, nhựa gỗ để ngắt nguồn điện. Kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn thở, tiến hành hô hấp nhân tạo khi cần thiết. Đặt nạn nhân nằm với tư thế đầu thấp hơn thân mình một chút và kê cao chân để đề phòng sốc. Gọi cấp cứu ngay nếu thấy nạn nhân bị giật điện có triệu chứng loạn nhịp tim hoặc tim ngừng đập, suy hô hấp, tím tái hoặc ngừng thở, đau và co rút cơ, co giật, tê bì và ù tai, bất tỉnh...
Dinh dưỡng khi có vết thương
Không cần thiết phải kiêng ăn như tôm, cua, gà, rau muống, nước cam… vì sẹo lồi thường do cơ địa và do chăm sóc vết thương không đúng. Chỉ kiêng những thức ăn bị dị ứng. Nếu quá kiêng ăn, dẫn đến thiếu dinh dưỡng làm chậm lành vết thương. Cam có Vitamine C giúp ít cho lành nhanh vết thương, vậy có thể dùng cam, không nên lo sợ cam làm chảy nước vàng.
Phòng chống tai nạn thương tích
Phòng chống tai nạn thương tích có thể thực hiện được qua việc phòng ngừa bằng phương pháp chủ động hoặc thụ động.
- Phương pháp phòng ngừa chủ động đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của cá nhân cần được bảo vệ, có nghĩa là hiệu quả của việc phòng ngừa phụ thuộc vào bản thân đối tượng cần được bảo vệ có sử dụng đúng các biện pháp phòng ngừa hay không. Mục đích của các biện pháp phòng ngừa là làm thay đổi hành vi của cá nhân cần được bảo vệ như yêu cầu mọi người phải thực hiện các nội quy về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô...
- Phương pháp phòng ngừa thụ động là biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát tai nạn thương tích. Biện pháp này không đòi hỏi phải có sự tham gia của cá nhân cần được bảo vệ, tác dụng phòng ngừa hay bảo vệ các thiết bị, phương tiện đã được thiết kế để cá nhân tự động được bảo vệ. Mục đích của biện pháp phòng ngừa thụ động là thay đổi môi trường hay phương tiện của người sử dụng như phân tuyến đường giao thông cho người đi bộ riêng và xe ô tô hoặc xe máy riêng để cho người đi bộ được bảo vệ khỏi bị tai nạn thương tích do xe máy hoặc ô tô.
BS Phạm Thế Hiển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét