Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Rủi ro nếu không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh

Nhà vệ sinh là ổ chứa mầm bệnh và việc rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh đã được khuyến cáo từ lâu. Vấn đề còn lại là chính bạn đã tuân thủ đầy đủ quy trình rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh hay chưa?

Bàn tay tiếp xúc nhiều nhất với các vật dụng hàng ngày. Có đến 40.000 vi khuẩn trên 1cm2 da mà chúng ta không nhìn thấy được. Con số này còn cao hơn nhiều ở bàn tay, đặc biệt là ở lòng bàn tay, kẽ tay, móng tay... Vi khuẩn và virus có thể sống ở bàn tay ít nhất là 3 giờ liền. Một trong những con đường phổ biến nhất để vi khuẩn và virus lây lan từ người này sang người khác là thông qua bàn tay. Nếu bạn chạm tay vào một bề mặt có vi khuẩn hoặc virus và sau đó bạn bắt tay với ai đó, bạn đã làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh cho người khác. Nếu bạn chạm tay vào miệng, mũi và mắt của chính mình, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Cũng tương tự như vậy, với việc không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, bạn có thể làm lây lan bất kỳ vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng, hoặc có sẵn trong hệ thống nhà vệ sinh của bạn, hoặc do người khác sử dụng và để lại trong nhà vệ sinh.

Dưới đây là các bệnh dễ mắc nếu bạn không rửa tay sạch sau khi sử dụng nhà vệ sinh:

Bệnh do virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cảm lạnh, cúm và viêm đường hô hấp cấp. Nếu bạn không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, bạn có thể truyền virus cho họ và cho chính bạn.

Bệnh tay-chân-miệng

Loại virus gây bệnh tay-chân-miệng gây ra các vết tổn thương trên bàn tay và bàn chân, cũng như trong miệng. Nguyên nhân do ăn thức ăn hoặc uống nguồn nước đã bị ô nhiễm bởi phân. Rửa tay sau khi đi vệ sinh sẽ làm giảm cơ hội nhiễm phải virus.

Bệnh viêm gan A

Bệnh viêm gan A lan rộng do không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau đó dùng tay xử lý thực phẩm. Triệu chứng thường không xuất hiện cho đến 3-4 tuần sau khi phơi nhiễm. Dấu hiệu mắc bệnh  bao gồm nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, buồn nôn, da vàng và nôn.

Rủi ro nếu không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinhTuân thủ quy trình rửa tay đúng cách giúp phòng nhiều bệnh.

Nhiễm vi khuẩn Shigella

Bệnh nhiễm khuẩn Shigella thường lan rộng do không hoặc rửa tay không đúng cách sau khi sử dụng nhà vệ sinh, nhiễm Shigella gây ra bệnh lỵ trực trùng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm đau bụng, phân lỏng và sốt. Nếu nặng hơn, có thể có máu, chất nhầy và mủ trong phân.

Nhiễm ký sinh trùng Giardia

Khi bạn không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, bạn có nguy cơ mắc bệnh Giardia. Bệnh này do ký sinh trùng gây ra và có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Do bệnh được lan truyền qua tiếp xúc bàn tay hoặc nước bị nhiễm bệnh, nên có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Kiểm tra phân là cách chắc chắn nhất để biết bạn có bị bệnh Giardia hay không.

Ngộ độc thực phẩm

Bệnh do thực phẩm có thể  do thực phẩm  bẩn, hư hỏng hoặc thực phẩm nhiễm phân từ tay bẩn... Các triệu chứng thông thường bao gồm: đau bụng co thắt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đầy bụng và nhức đầu.

Viêm kết mạc

Không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh làm tăng nguy cơ bị viêm kết mạc, là bệnh nhiễm trùng mắt rất dễ lây lan. Các triệu chứng bao gồm mắt đau và đỏ, mắt ngứa và tiết dịch xung quanh vùng mắt. Nếu bạn bị đau mắt đỏ, nên tránh sờ vào vùng mắt và hãy rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi thoa thuốc vào vùng mắt. Đừng bao giờ dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay và ném bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Hãy thay khăn tắm hằng ngày; khử trùng tất cả các bề mặt, chẳng hạn như mặt trên của bồn rửa vệ sinh và tay nắm cửa. Đồng thời, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người khác cho đến khi bạn không còn nguy cơ lây nhiễm.

Kháng kháng sinh

Do không  hoặc rửa tay không đúng cách sau khi sử dụng nhà vệ sinh, làm cho sự lây lan của một số bệnh gia tăng. Tình trạng này đòi hỏi sử dụng kháng sinh nhiều hơn và đã tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc. Hậu quả làm cho việc điều trị một số bệnh nhiễm trùng khó khăn hơn. Nếu có nhiều người thực hiện rửa tay thường xuyên, cơ hội lây lan những bệnh trên sẽ giảm đáng kể.

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo khuyến cáo, việc rửa tay sẽ giúp rửa sạch các vi khuẩn và virus có hại trên tay, giúp phòng ngừa bệnh tật cho bản thân và người xung quanh. Chỉ mất 20-30 giây rửa tay là thời gian vừa đủ để tiêu diệt các loại vi khuẩn và virus gây hại, cũng không cần thiết phải rửa tay lâu hơn.

BS. Lê Thanh Hải

Cre: Sức khỏe và đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét