Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Chủ động nâng cao hệ miễn dịch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh

 

Sau gần 2 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hiện nay, con người đang tìm cách hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của mình bằng nhiều biện pháp khác nhau để hướng tới có thể chung sống với loại virus này.

Vai trò của hệ miễn dịch với sức khỏe trong mùa dịch

Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch có thể sẽ mất khoảng một thời gian (vài ngày hoặc vài tuần) để nhận biết và sản sinh kháng thể đặc hiệu chống lại virus này. Hiện nay, có nhiều loại vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 thuộc các hãng dược khác nhau được phép lưu hành trên thị trường. Tất cả đều có chung cơ chế đó là kích thích hệ miễn dịch cơ thể sản sinh các kháng thể đặc hiệu để nhận diện và tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Chủ động nâng cao hệ miễn dịch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh  - Ảnh 1.

Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng giúp phòng chống nguy cơ nhiễm bệnh do virus (Ảnh minh họa)

Lý giải cơ chế này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Giải pháp tiêm vaccine là đưa thành phần đặc trưng của virus SARS-CoV-2 vào trong cơ thể để kích hoạt hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể đặc hiệu, đảm bảo cơ thể ít gặp nguy hiểm nếu lây nhiễm virus".

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine, con người vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19. Khi đó, một hệ miễn dịch khỏe mạnh, vững chắc sẽ giúp hỗ trợ người bệnh mau khỏe lại. "Để tạo được hàng rào miễn dịch vững chắc chống lại virus thì cơ thể phải sản xuất được lượng kháng thể đủ để chống lại sự xâm nhập của virus. Do vậy, người bệnh luôn cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu từ chế độ ăn và kết hợp thực phẩm bổ sung để hỗ trợ củng cố hệ miễn dịch của mình", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý thêm.

Bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể bằng cách nào?

Chế độ dinh dưỡng khoa học luôn là giải pháp giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Song bên cạnh đó, một giải pháp giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng là bổ sung kháng thể IgG.

IgG (Immunoglobulin G) là kháng thể chính được tìm thấy trong tuần hoàn máu và dịch ngoại bào. Đây cũng là kháng thể chiếm tỷ lệ cao nhất (lên tới 75%) trong huyết thanh, xuất hiện trong sữa non, các dịch mô đường hô hấp, tiêu hóa. Với khả năng bắt dính cao với các mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, IgG giúp hỗ trợ kiểm soát các nhiễm trùng trong cơ thể. Có thể nói, đây là kháng thể đóng vai trò quan trọng với cơ thể:

- Đối với giai đoạn đang mang thai thì kháng thể IgG có khả năng đi qua nhau thai nên IgG của mẹ sẽ được truyền cho thai nhi, giúp hỗ trợ bảo vệ con khỏi các tác nhân gây bệnh ngay khi còn trong bụng mẹ. Và khi chào đời, giai đoạn đầu hệ miễn dịch chưa ổn định thì IgG cùng các kháng thể khác có trong sữa mẹ cũng giúp hỗ trợ bé có sức đề kháng tốt hơn. 

- Đối với giai đoạn phát triển thì do quá trình lão hóa theo tuổi tác, môi trường sống tác động, thói quen sinh hoạt, nên sự sụt giảm các kháng thể càng cao thì hệ miễn dịch càng suy yếu từ đó dẫn đến nguy cơ dễ bị bệnh.

- Ở người bệnh COVID-19, lượng kháng thể IgG tăng cường sẽ hỗ trợ chống lại sự phát triển của virus SARS-CoV-2.

Vậy làm cách nào để bổ sung IgG vào cơ thể một cách hiệu quả? Trong sữa non của bò có chứa kháng thể miễn dịch chính là IgG, có khả năng cung cấp một giải pháp hỗ trợ tăng cường miễn dịch. Do đó, việc cung cấp kháng thể bằng cách sử dụng sữa non của bò chính là biện pháp giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chủ động phòng chống nguy cơ từ các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

"Thiết lập hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh bằng cách tiêm vaccine kết hợp chủ động cung cấp kháng thể mỗi ngày thông qua dinh dưỡng bổ sung là việc nên làm. Bên cạnh đó cần chú ý chế độ ăn đủ protein, và các vi chất thiết yếu như: vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, B9, B6, B12, kẽm, selen, sắt…Có thể nói đây là phương thức hỗ trợ bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét