Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

SỬ DỤNG THUỐC CHO NGƯỜI CAO TUỔI



Mở đầu
Xã hội thường xem người trên 65 tuổi là người cao tuổi, nhưng hầu hết các chuyên gia xem người cao tuổi là thuộc lứa tuổi từ 75 trở lên mặc dù cách định nghĩa này có tính tuỳ ý. Tại Việt Nam quy định người 60 tuổi trở lên được xem là người cao tuổi. Ngoài những bệnh đã có trước, ở người cao tuổi còn tăng nguy cơ mắc các bệnh Alzeimer, Parkinson, đột quỵ, cườm mắt, bệnh mạch vành do xơ vữa, suy tim, tiểu đường, viêm khớp, loãng xương và gãy xương, ung thư, nhiễm trùng hô hấp,… vì vậy nhu cầu dùng thuốc của đối tượng này rất lớn. Ngoài sự tăng tỉ lệ mắc nhiều bệnh tật, lứa tuổi này còn có những thay đổi về sinh lý dẫn đến các thay đổi về động học và dược lực học của thuốc nên sử dụng thuốc cho đối tượng này khá phức tạp. Các nhà lâm sàng nên biết các thay đổi trên để hướng dẫn dùng thuốc an toàn, hợp lý.
1. Các thay đổi về dược động học của thuốc ở người cao tuổi
a. Hấp thu thuốc
Đa số thuốc dùng đường uống và được hấp thu bằng cách khếch tán thụ động. Cơ chế hấp thu này ít thay đổi theo tuổi nên sinh khả dụng hầu hết thuốc ít thay đổi theo tuổi. Có một số ít thuốc được vận chuyển chủ động qua mạng ruột (calci) thì sinh khả dụng có thể giảm do vận chuyển chủ động giảm ở người cao tuổi. Có một số trường hợp sinh khả dụng tăng nên tăng nồng độ trong máu của một số thuốc như propranolol và morphin hay khi dùng chung thuốc với nước bưởi chứa các chất ức chế CYP 3A4.
* Đường uống:
Những thay đổi do tuổi tác xảy ra ở ống tiêu hoá và gan người cao tuổi nhìn chung ít ảnh hưởng đến hấp thu của đa phần các thuốc. Mặc dù tốc độ hấp thu của một số thuốc có thể giảm, nhưng mức độ hấp thu tổng cộng thì không có khác biệt so với ở người trẻ. Sự “lão hoá” của niêm mạc ruột làm cho hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực các thuốc như sắt, calci, acid amin, vitamin, … có bị giảm.
Những thay đổi liên quan tới gan ở người cao tuổi có thể làm giảm chuyển hoá qua gan lần đầu và tăng sinh khả dụng của thuốc một cách đáng kể. Các thuốc đã được chứng minh là có giảm chuyển hoá lần đầu qua gan ở người cao tuổi bao gồm: clomethiazol, labetalol, nifedipin, nitrat, propranolol và verapamil.
* Đường qua da:
Da người cao tuổi khô, thành phần lipid giảm, khó thấm các thuốc nên hấp thu thuốc qua da giảm.
b. Phân phối thuốc
Sự phân phối thuốc phụ thuộc các yếu tố như lượng máu, gắn protein huyết tương, thành phần các chất trong cơ thể,… các yếu tố này thay đổi theo tuổi. Nếu tính theo phần trăm khối lượng cơ thể, ở người cao tuổi giảm khối lượng thịt, giảm khối lượng nước nhưng tăng khối lượng mô mỡ. Do đó, thể tích phân phối Vd của các thuốc tan trong dầu tăng còn Vd của các thuốc tan trong nước giảm. P. glycoprotein thuộc hệ thống vận chuyển đẩy thuốc qua hàng rào máu não giảm ở người cao tuổi. Vì vậy não của người cao tuổi tiếp xúc nhiều hơn với thuốc và chất độc. Hai protein huyết tương là albumin (gắn thuốc acid) và acid glycoprotein (gắn thuốc base) cũng thay đổi theo các bệnh lý thường gặp của người cao tuổi. Giảm albumin dẫn đến tăng nồng độ tự do (dạng có hoạt tính) của các thuốc acid như naproxen, phenytoin tolbutamid và warfarin. Tăng alpha acid glycoprotein trong trường hợp phỏng, ung thư, bệnh lý do viêm làm giảm nồng độ tự do các thuốc base như lidocaine, propranolol, quinidine và imipramine.
c. Chuyển hoá thuốc
Các thuốc thay đổi là do giảm khối lượng gan và giảm lưu lượng gan ở người cao tuổi. Hãy cẩn thận khi cho người bệnh nhân cao tuổi có tiền sử bệnh gan mặc dù đã hồi phục hoàn toàn. Thận trọng với bệnh ảnh hưởng đến chức năng gan như suy tim (giảm lưu lượng gan) hay suy dinh dưỡng.
d. Thải trừ thuốc
Thận là cơ quan chính thải trừ thuốc khỏi cơ thể. Sự giảm chức năng thận theo tuổi rất quan trọng vì làm kéo dài T1/2 của nhiều thuốc nếu không giảm liều hoặc kéo dài khoảng cách liều. Chức năng thận được đánh giá bằng độ thanh lọc creatinine. Trong tương lai người ta đánh giá chức năng gan dựa vào cystatin C là protein có khối lượng phân tử thấp được tạo ra bởi tất cả các tế bào có nhân trong các trường hợp không thể dùng creatinine như chứng suy mòn (cachexia), người nằm một chỗ và bệnh gan.
Các thuốc thải trừ chủ yếu qua thận như amantadine, aminoglycoside, atenolol, captopril, cimetidine, vancomycin và các chất chuyển hoá có hoạt tính được đào thải qua thận như N-acetylprocainamid, normeperidin, … có thể tích tụ trong cơ thể người cao tuổi có giảm chức năng thận.
Bảng 1. Sự thay đổi dược động ở người cao tuổi
Quá trình
dược động
Các thay đổi dược động
Hấp thu ở dạ dày – ruột
- Không thay đổi sự khếch tán thụ động nên không thay đổi sinh khả dụng của hầu hết thuốc
- Giảm vận chuyển chủ động nên giảm hấp thu một số thuốc (calci, vitamin B1, B9)
- Giảm chuyển hoá lần đầu và tăng sinh khả dụng một số thuốc
Phân phối
Giảm Vd và tăng nồng độ huyết của các thuốc tan trong nước
Tăng Vd và tăng T1/2 của các thuốc tan trong dầu
Tăng hoặc giảm dạng thuốc tự do của các thuốc gắn mạnh vào protein huyết tương
Chuyển hoá
Giảm clearance, tăng T1/2 của thuốc chuyển hoá qua oxy hoá
Giảm clearance và tăng T1/2 các thuốc có tỉ lệ ly trích ở gan
Thải trừ qua thận
Giảm clearance và tăng T1/2 các thuốc có tỉ lệ ly trích ở gan cao
Ngoài ra còn có những thay đổi sinh lý ở người cao tuổi và ảnh hưởng tới việc sử dụng thuốc trong lâm sàng do những thay đổi về dược động của thuốc.
Bảng 2. Thay đổi sinh lý và hệ quả trong sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Thay đổi sinh lý
Thay đổi trong sử dụng thuốc
Giảm tiết acid dạ dày, làm tăng pH
Giảm tưới máu dạ dày – ruột
Chậm tháo rỗng dạ dày
Chậm lưu chuyển trong dạ dày – ruột
Ít ảnh hưởng tới hấp thu thuốc dùng theo đường uống
Giảm lượng nước trong cơ thể
Giảm khối cơ
Tăng lượng mỡ trong cơ thể
Cần thay đổi liều nạp của thuốc
Giảm lượng albumin huyết tương
Alpha – acid glycoprotein ít bị ảnh hưởng
Thay đổi liều của các thuốc liên kết nhiều với protein huyết tương
Giảm chức năng thận do:
- Giảm dòng máu tới thận
- Giảm sức lọc cầu thận
- Giảm bài tiết qua ống thận
- Giảm khối lượng thận
Cần giảm liều của các thuốc thải trừ qua thận
2. Các thay đổi về hành vi và kiểu sống
Nhiều thay đổi về chức năng của người cao tuổi cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ như quên uống thuốc, liều thuốc không chính xác do mắt kém. Các thay đổi khác như giảm thu nhập mà phí tổn do bệnh tăng nên không tuân thủ điều trị,… tất cả điều đó làm việc điều trị bằng thuốc cho người cao tuổi vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp.
3. Những tình trạng bệnh lý ở người cao tuổi ảnh hưởng đến sử dụng thuốc
Tình trạng đa bệnh lý dẫn đến rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể và chính điều này làm ảnh hưởng đến sử dụng thuốc cho người cao tuổi. Những rối loạn hay gặp là:
- Rối loạn tiêu hoá (táo bón), do đó người cao tuổi hay dùng thuốc nhuận tràng, điều này làm giảm hấp thu các thuốc dùng đồng thời.
- Giảm trí nhớ: hay quên dùng thuốc, nhầm lẫn liều.
- Mắt kém: đọc đơn thuốc kém, đọc lẫn, nhất là khi gặp những đơn ghi chữ nhỏ khó đọc.
- Run tay: làm cho việc đếm giọt với những thuốc uống theo giọt khó khăn hoặc lúng túng khi gặp các chai thuốc khó mở.
- Thích lạm dụng thuốc, dùng kéo dài quá quy định do tâm lý sợ bệnh tật.
- Loãng xương: nên ngại vận động do đau, hay nằm kể cả khi uống thuốc nên dễ bị loét thực quản với các thuốc kích ứng mạnh.
- Ít khát do phản xạ khát giảm ở tuổi già: do đó ít uống nước, gây tăng khả năng lắng đọng ở thận, gây sỏi thận (vitamin liều cao, sulfamid, co-trimoxazol,…)
4. Nguyên tắc sử dụng thuốc cho người cao tuổi
Điều trị cho người cao tuổi là việc làm phức tạp do lão hoá không đồng đều giữa các cá thể và sự đáp ứng bất thường với thuốc ở đối tượng này. Để nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi, vai trò của dược sĩ lâm sàng trong các chỉ dẫn về dùng thuốc, chọn thuốc, tuân thủ y lệnh,… là rất quan trọng. Cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
- Hạn chế sử dụng thuốc nếu không thực sự cần thiết.
- Cân nhắc ảnh hưởng của việc điều trị đến chất lượng cuộc sống. Mục tiêu điều trị cho người cao tuổi không chỉ đơn giản là kéo dài cuộc sống mà phải nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Điều trị nguyên nhân chứ không nên chỉ giải quyết triệu chứng: với mỗi người bệnh cần nổ lực hết sức để tìm ra bệnh thực sự và tiến hành điều trị đặc biệt.
- Lịch sử dụng thuốc: cần có thông tin đầy đủ về các thuốc đã dùng để tránh các thuốc bị dị ứng, các thuốc đã từng dùng nhưng đáp ứng không tốt, tránh những tương tác thuốc nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Bệnh mắc kèm: suy gan, suy thận, suy tim là những bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, có khả năng làm tăng nguy cơ gặp tác dụng có hại của thuốc ở đối tượng này.
- Lựa chọn thuốc: cũng giống như bất cứ đối tượng nào, cần cân nhắc lựa chọn những thuốc hiệu quả nhất, ít tác dụng không mong muốn nhất và phù hợp nhất với tình trạng của từng bệnh nhân cao tuổi.
- Chỉnh liều: bắt đầu một thuốc mới với liều dùng thấp nhất và số lần dùng ít nhất có thể, điều chỉnh tăng dầu nếu cần. Thường thì người cao tuổi cần dùng liều thấp hơn so với người trẻ.
- Dạng dùng thuốc: thuốc siro, hỗn dịch, viên sủi bọt sẽ phù hợp với những người cao tuổi khó nuốt.
- Đóng gói thuốc và nhãn thuốc: cần lựa chọn những bao bì thuốc dễ mở, nhãn in chữ to, dễ đọc.
- Lưu giữ thông tin đầy đủ, thuận tiện cho việc theo dõi sử dụng thuốc của người bệnh.
- Định kỳ tái khám, điều chỉnh đơn thuốc với những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính.
- Tác dụng không mong muốn (ADR): nguy cơ gặp ADR ở người cao tuổi cao hơn so với người trẻ cần hết sức thận trọng.
- Tuân thủ điều trị: người cao tuổi thường kém tuân thủ điều trị. Vì vậy nên áp dụng các biện pháp làm tăng tuân thủ điều trị như ghi nhật ký dùng thuốc, đóng gói riêng biệt, dược sĩ thường xuyên tư vấn, đào tạo.
Bảng 3. Hướng dẫn chọn lựa 1 số thuốc thường dùng cho người cao tuổi
Loại thuốc điều trị
Thuốc lựa chọn
Thuốc chống chỉ định hoặc thận trọng
Chú thích
Tăng
huyết áp
Lợi tiểu thiazid liều thấp, ACEi, ARB, CCB kèm đau thắt ngực
Alpha blocker (prazosin)
Beta blocker: trừ suy tim
Kiểm tra hạ huyết áp thể đứng.
Đau nhẹ và trung bình
Acetaminophen và salicylate không acetyl hoá
Opioid: người cao tuổi nhạy với tác động suy hô hấp
Lưu ý NSAIDs cho BN có vấn đề về tiêu hoá (dùng thêm PPIs) và tim mạch.
Theo dõi chức năng thận khi dùng liều cao.
5. Lưu ý về sử dụng testosterone
Cơ quan chính tạo androgen là tinh hoàn, cơ quan phụ là vỏ thượng thận, buồng trứng, nhau thai. Testosteron là androgen chính của tinh hoàn. Sự tổng hợp testosterone phụ thuộc vào LH.
Nồng độ androgen cao vào 3 giai đoạn của đời sống:
- Giai đoạn phôi thai: (tuần thứ 8) cần thiết để gây nam hoá đường niệu sinh dục của bào thai nam tức là phát triển kiểu hình nam nếu không có testosterone sẽ phát triển kiều hình nữ bên ngoài.
- Giai đoạn sơ sinh: Trong năm đầu của đời sống
- Giai đoạn dậy thì: Để bé trai thành người đàn ông trưởng thành, đạt đỉnh lúc 20 tuổi bắt đầu giảm lúc 30 tuổi, sau đó ổn định đến 70 tuổi mới giảm.
a. Tác dụng sinh lý
- Tác dụng androgen: phát triển cơ quan sinh dục đực (túi tính, mào tinh, tuyến tiền liệt, dương vật và bìu, …)
- Gây nên các dấu hiệu đặc trưng của phái nam (mọc nhiều lông, tiếng nói, vai rộng, cơ lớn, da dày, mụn, …)
- Tăng cường cơ và xương
b. Chỉ định
- Sử dụng chon nam giới: thay thế hay để tăng androgen nội sinh cho bệnh nhân nam suy sinh dục
- Kích thích tăng tưởng: cho bé trai trước tuổi dậy thì nhưng cần cẩn thận vì làm đầu xương dài đóng sớm.
- Trị loãng xương
FDA lưu ý về việc sử dụng testosterone cho bệnh nhân có hàm lượng testosterone thấp do tuổi tác; đề nghị bổ sung nhãn về nguy cơ tim mạch có thể gặp phải Testosterone đã được FDA chấp thuận để sử dụng như một liệu pháp thay thế về hormone cho nam giới có lượng testosterone thấp do các chứng rối loạn tinh hoàn, tuyến yên, ….
Tuy nhiên, FDA cũng nhận thấy rằng, testosterone đang được sử dụng rộng rãi để làm giảm các triệu chứng hạ testosterone ở nam giới mà nguyên nhân chủ yếu là do tuổi tác. Lợi ích và tính an toàn của việc sử dụng này chưa có bằng chứng cụ thể. FDA yêu cầu các nhà sản xuất có sản phẩm testosterone đang được lưu hành sửa đổi nhãn nhằm làm rõ các chỉ định được chấp thuận của loại thuốc này. FDA cũng yêu cầu rằng các nhà sản xuất phải bổ sung thêm thông tin về khả năng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ ở bệnh nhân sử dụng testosterone. Liệu pháp testosterone chỉ được chấp thuận sử dụng cho nam giới có lượng testosterone thấp vì một số nguyên nhân y khoa nhất định. Lợi ích và an toàn của việc sử dụng testosterone bổ sung cho người có mức testosterone thấp do tuổi tác vẫn chưa được thiết lập 
Một số chế phẩm của androgen dùng để điều trị thay thế
- Testosteron dạng miếng dán (androderm) hoặc androgel gel 1%
- Viên nén: Methyltestisterin (Metandren, Neo-Hombreol [M]), Fluoxymesteron (Halotestin)
6. Năm mối lo ngại khi sử dụng NSAID ở bệnh nhân lớn tuổi

- Việc sử dụng NSAID một mình có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, chúng ta thường thấy các biến chứng do sử dụng nhiều thuốc. Việc sử dụng đồng thời NSAID với các thuốc chống đông và ức chế tiểu cầu có thể gia tăng đáng kể nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
- Nhiều bệnh nhân cho rằng thuốc OTC là an toàn. Thiếu giám sát khi sử dụng NSAID có thể dẫn tới các hệ quả xấu và việc giám sát không chặt chẽ thường xảy ra ở những bệnh nhân tự điều trị mà không thông báo cho dược sĩ hoặc các chuyên viên y tế khác biết.
- Bệnh thận là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. NSAID có thể làm trầm trọng thêm bệnh thận. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi đang điều trị cao huyết áp bằng thuốc lợi tiểu hay thuốc ức chế men chuyển. Các bệnh nhân này nếu dùng NSAID đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ suy thận cấp.
- Việc sử dụng NSAID nên được lưu ý trên bao bì của thuốc. NSAID có liên quan đế việc gia tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch do huyết khối (như nhồi máu cơ tim và đột quị).
- Vấn đề suy thận cấp được đề cập bên trên do việc sử dụng đồng thời với thuốc ức chế men chuyển hoặc lợi tiểu v.v. Một tình trạng bệnh lý khác có thể nặng hơn khi sử dụng NSAID là suy tim sung huyết. NSAID có thể làm tăng giữ nước dẫn tới gia tăng các triệu chứng của suy tim sung huyết.

DS Nguyễn Sơn Lâm
Tài liệu tham khảo:
- JNC 8 (2014)
Current Medical Diagnosis & Treatment (2018)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét