Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Vitamin D - Những điều cần biết




1. Nguồn gốc
- Trong cơ thể:
Tiền vitamin D là 7-dehydrocholesterol trong da biến thành vitamin D3 nhờ tia UV. Chỉ cần mặt và tay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong 15 phút là đủ nhu cầu vitamin D trong 1 ngày (ở người da màu sáng). Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời không gây thừa vitamin D.
- Ngoài cơ thể: Gan cá thu, mỡ động vật, bơ, sữa, lòng đỏ trứng.
Về hoạt tính không có sự khác biệt giữa D2 và D3 khi dùng từ vitamin D là muốn ám chỉ D2 và D3. Tương đối ổn định trong thực phẩm khi tồn trữ, chế biến và nấu nướng. Người khoẻ mạnh, ăn uống đủ chất và lượng, tắm nắng tốt sẽ nhận đủ vitamin D tổng hợp ở da hoặc từ thức ăn không cần bổ sung vitamin D.
2. Tác dụng của vitamin D
Giữ hằng định Ca2+ huyết

Vitamin D làm tăng Ca2+ huyết và phosphate theo cơ chế:
- Làm tăng hấp thu calci và phosphate ở ruột.
- Tăng huy động calci từ xương vào máu.
- Tăng tái hấp thu calci và phosphate ở thận.
Tăng tạo xương
Vitamin D có ảnh hưởng đến sự calci hoá sụn tăng trưởng nên cần cho phát triển bình thường xương trẻ em. Nhờ có vitamin D, cơ thể hấp thu calci tốt hơn. Người trưởng thành cần bổ sung vitamin D và calci hằng ngày giúp ngăn chặn nguy cơ gãy xương, giòn xương. Trẻ em cần vitamin D để xương chắc khỏe, đề phòng bệnh còi xương, đẩy lùi nguyên nhân gây cong chân, dị dạng khớp gối, loãng xương.
Biệt hoá biểu bì, đó là cơ sở để trị bệnh vẩy nến
Ức chế tăng sinh và cảm ứng biệt hoá tế bào ác tính
Đặc biệt là trong ung thư vú và u tuyến tiết melanin ác tính, đang mở ra hướng nghiên cứu các chất tương tự calcitriol để trị ung thư.
Ức chế sự tăng hormone tuyến cận giáp - PTH huyết ở bệnh nhân cường tuyến cận giáp do suy thận mạn
3. Sự thiếu vitamin D
Nguyên nhân
Có thể thiếu từ nguồn thực phẩm (ít gặp), thiếu chiếu xạ của ánh nắng mặt trời (những người sống ở vĩ độ Bắc như Canada), các bệnh ở gan, ruột, thận, tuyến cận giáp hoặc cho con bú, dùng các thuốc chống động kinh.
Triệu chứng
Thiếu vitamin D, ruột hấp thu không đủ Ca2+ và phosphate nên Ca2+ huyết giảm gây các hậu quả sau:
- Ở trẻ em: Bệnh còi xương, xương không được vô cơ hoá để thành lập xương và gian bào sụn mới, dẫn đến sai sót trong phát triển xương (như xương sọ, xương sườn, xương chân): xương thường mềm và không chịu nổi sức nặng của cơ thể nên bị biến dạng (chân vòng kiềng, lồng ngực, xương sườn nhỏ, trẻ chậm biết đi, chậm đóng thóp, nở to chỗ đầu gối, cổ tay, mắt cá chân) cơ kém phát triển.
- Ở người lớn: Bệnh nhuyễn xương do xương mất calci.
4. Sự thừa vitamin D
Nguyên nhân:
Do ngừa thiếu vitamin D quá tích cực như sử dụng thường xuyên bột dinh dưỡng có bổ sung vitamin D. Liều gây thừa vitamin D thay đổi khá lớn giữa các cá thể.
Triệu chứng:
Triệu chứng sớm của tăng calci huyết gồm có: suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau yếu cơ. Calci huyết và phosphate huyết tăng, huy động calci từ xương ra máu gây loãng xương, xương dễ gãy. Tổn thương ban đầu chức năng thận như tiểu nhiều, protein niệu. Nếu kéo dài, calci lắng đọng ở mô mềm như thận, mạch máu, tim đưa đến sỏi thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim.
Trẻ em dưới 1 tuổi nếu thường xuyên dùng liều khoảng 400 UI/ngày có thể bi kích thích, co giật do tăng calci huyết). Hậu quả của tăng vitamin D huyết kéo dài dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và thể chất, nặng hơn có thể suy thận và tử vong. Liều > 1800 UI (45µg)/ngày, dùng thường xuyên gây chậm lớn cho trẻ em vì cốt hoá sớm.
Chữa trị: Ngừng vitamin D, chế độ ăn ít Ca2+, dùng thêm glucocorticoid (đối kháng vitamin D). Giữ nồng độ calci huyết 9 – 10 mg/dl không được vượt quá 11 mg/dl.
5. Chỉ định
Vitamin có nhiều độc tính nên cần cân nhắc về chỉ định và liều lượng.
Phòng và trị còi xương do dinh dưỡng là loại còi xương do thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc thiếu từ nguồn thức ăn. Phòng 400 – 800 UI (10 – 20 µg)/ngày, trị 400 UI (100µg)/ngày.
Phòng và trị bệnh còi xương và nhuyễn xương do chuyển hoá. Ví dụ còi xương do gan hoặc thận vì giảm chuyển hoá làm tăng phosphate huyết và giảm calci huyết dẫn đến cường tuyến cận giáp thứ phát.
Trị nhược năng tuyến cận giáp.
Phòng và trị loãng xương.
Liều dùng:
- Dự phòng: Trẻ em có nguy cơ thiếu ≤ 400 UI
- Điều trị: Trẻ em dưới một tuổi bị còng xương 750 µg (30 000 UI)/ngày trong thời gian ngắn, sau đó phải giảm liều khi triệu chứng thuyên giảm.
6. Lưu ý khi sử dụng vitamin D
Cần nhớ vitamin D có giới hạn an toàn rất hẹp, giữa liều phòng ngừa, điều trị và liều độc. Vì vậy phải hết sức đắn đo khi sử dụng. Trước khi sử dụng phải điều tra chế độ ăn và tắm nắng của bệnh nhân. Nhu cầu hàng ngày của vitamin D nhỏ nên chỉ cần tắm nắng hoặc thu nhận từ thức ăn là đủ. Vì vậy trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tắm nắng tốt thì không cần bổ sung vitamin D, nếu bổ sung sẽ dẫn đến quá liều. Phải hết sức thận trọng khi dùng cùng lúc nhiều chế phẩm chứa vitamin D. Dưới đây là các đối tượng cần bổ sung vitamin D:
- Trẻ em có nguy cơ thiếu thì liều bổ sung hằng ngày không vượt quá ADR (400 UI). Liều lớn hơn 400 UI chỉ được sử dụng khi có đầy đủ dữ kiện thiếu vitamin D.
- Người cao tuổi ít tiếp xúc ánh sáng mặt trời: Vài chuyên gia đề nghị bổ sung 10µg/ngày (400UI)
- Trẻ em thiếu tháng, trẻ em nuôi bằng sữa bột không có vitamin D: 5 – 7 µg/ngày.
- Phụ nữ có thai hay không đều không cần bổ sung vitamin D nếu được tắm nắng đầy đủ. Người có thai có thể dùng liều bình thường theo tuổi nếu không tắm nắng đầy đủ. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin D 10µg (400UI)/ngày trước khi sinh không phải là quá thừa. Phụ nữ cho con bú nếu không được tắm nắng có thể dùng liều như người không cho con bú (5µg/ngày). Tuy nhiên việc bổ sung vitamin D 10µg/ngày sau khi sinh không phải là quá thừa. Sử dụng vitamin D quá liều trong thai kỳ làm tăng calci huyết, điều đó làm tăng khả năng dị tật bào thai như hẹp van động mạch chủ trên, tổn thương mạch và tổn thương chức năng tuyến cận giáp.
Sau khi ngừng thuốc tác dụng của vitamin D còn kéo dài, thêm vào đó khi xương đã hồi phục thì nhu cầu vitamin D giảm đột ngột, vì vậy trong điều trị còi xương khi thấy triệu chứng thuyên giảm thì cần giảm liều và ngưng hẳn khi calci huyết và calci niệu về mức bình thường.
7. Bằng chứng mới cho thấy mối quan ngại về nguy cơ tim mạch đã suy giảm
Theo kết quả cập nhật từ tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, lượng canxi hấp thu mỗi ngày nằm trong giới hạn trên từ 2000 đến 2500 mg không có mối quan hệ với sự gia tăng nguy cơ tim mạch ở người trưởng thành khoẻ mạnh.
Hướng dẫn lâm sàng từ Hiệp hội loãng xương Hoa Kỳ (NOF) và Hiệp hội phòng chống bệnh tim mạch Hoa Kỳ (ASPC) cũng đã công bố các bằng chứng chất lượng trung bình ủng hộ khuyến cao sau: Canxi đi kèm hoặc không đi kèm với vitamin D được hấp thu từ thực phẩm hoặc chế phẩm bổ sung không có mối quan hệ (có lợi hoặc gây hại) đối với nguy cơ về bệnh tim mạch, bệnh mạch máu máu não, tỷ lệ tử vong hoặc tử vong do mọi nguyên nhân ở người trưởng thành khoẻ mạnh. Lượng canxi đưa vào từ thức ăn và chế phẩm bổ sung mà không vượt quá mức cao cho phép (2000 – 2500 mg/ngày theo Viện Y khoa Hoa Kỳ) nên được xem là an toàn theo quan điểm đánh giá về tim mạch.
8. Tư vấn cho bệnh nhân


Đâu là nguồn thực phẩm tốt để bổ sung canxi và vitamin D
Một vài thực phẩm chứa tới 300mg canxi/1 suất ăn (kiểm tra trên nhãn):
- Sữa
- Sữa chua ít béo
- Sữa đậu nành tăng cường thêm canxi, ngũ cốc, nước hoa quả hoặc kẹo lạc.
- Rau xanh
Một vài thực phẩm giàu vitamin D như:
- Cá hồi đóng hộp hoặc cá ngừ
- Lòng đỏ trứng
- Nước cam tăng cường thêm vitamin D, sữa, sữa đậu nành, sữa chua, ngũ cốc hoặc bơ thực vật.
Có cần thiết bổ sung thêm từ thực phẩm chức năng?
* Canxi: Phần lớn người Mỹ trưởng thành đã có thể đạt được 700 – 1000mg canxi mỗi ngày từ thực phẩm như sữa, sữa chua, pho mát và rau lá xanh và đa phần nếu lượng hấp thu từ thức ăn không đủ, lượng bổ sung từ thực phẩm chức năng chưa cần tới 500 mg canxi để đủ nhu cầu hằng ngày.
Để tính toán lượng canxi tiêu thụ: Các thực phẩm không từ sữa được tính khoảng 300 mg/ngày cộng với 300mg của mỗi cốc thực phẩm giàu canxi.
- Nếu ăn 3 khẩu phần ăn gồm các thực phẩm giàu canxi, bạn có thể hấp thu tổng cộng khoảng 1200mg canxi mỗi ngày
- Nếu không bổ sung từ chế độ ăn, có thể sử dụng 300mg canxi từ thực phẩm chức năng thay cho 1 khẩu phần ăn giàu canxi.
Vitamin D
Rất khó để có thể bổ sung đủ vitamin D từ thực phẩm. Ngoài biện pháp phơi nắng, hầu hết mọi người đều cần bổ sung thêm vitamin D từ thực phẩm chức năng. Có thể hỏi xin ý kiến bác sĩ để kiểm tra ngưỡng vitamin D hiện tại và cho lời khuyên phù hợp.

DS Nguyễn Sơn Lâm
Tài liệu tham khảo:
Vitamin D andRenal Failure: How Much Is Too Much?
- Why I Do NOT Routinely Recommend CalciumSupplements to Maintain Strong Bones
Calcium Intake and Cardiovascular DiseaseRisk: An Updated Systematic Review and Meta-analysis
- Lack of Evidence Linking Calcium With or WithoutVitamin D Supplementation to Cardiovascular Disease in Generally HealthyAdults: A Clinical Guideline From the National Osteoporosis Foundation and theAmerican Society for Preventive Cardiology

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét